LÝ DO TẠI SAO CHÚNG TA MỪNG GIÁNG SINH NHƯ HIỆN NAY 
Lý do tại sao chúng ta mừng Giáng sinh như hiện nay, ly do tai sao chung ta mung giang sinh nhu hien nay
Thánh Phanxico và Thánh Boniface đã khởi xướng những phong tục truyền thống
Có thể chúng ta biết rằng Ông già Noel được lấy nguồn cảm hứng từ Thánh Nicholas, nhưng cây thông Giáng sinh bắt nguồn từ đâu?
Nguồn gốc của cảnh hang đá Giáng sinh là gì? Rồi còn 12 ngày Giáng sinh hoặc cây trạng nguyên là từ đâu?
Nguồn gốc chữ “Christmas” lấy từ tiếng Anh Cổ: Cristes Maesse, nghĩa là “Lễ của Đức Ki-tô,” với thời gian ngược dòng lịch sử ít nhất là từ năm 1038. Thậm chí trước đó, vào năm 567, Công đồng Tours lần thứ Hai đã công bố “12 ngày” từ Giáng sinh đến Lễ Hiển Linh phải được mừng như những ngày cực thánh và lễ hội. Thánh Patrick đưa những nghi thức mừng Giáng sinh đến Ireland năm 461, trong khi Thánh Augustine thành Canterbury đưa lễ mừng này vào nước Anh trong những năm đầu 600 và Thánh Boniface đem sang nước Đức năm 754.
Cảnh hang đá (cũng còn được gọi là máng cỏ Giáng sinh) là mô phỏng lại cảnh Giáng sinh, nó phải trở thành điểm nhấn tinh thần cho việc trang trí Giáng sinh trong gia đình. Theo Cha dòng Tên Francis X. Weiser, trong quyển Handbook of Christian Feasts and Customs (Sổ tay những ngày Lễ và Truyền thống Ki-tô giáo) đáng tin cậy của ngài, hình ảnh về cảnh Hang đá Giáng sinh sớm nhất có niên đại khoảng năm 380 trong một bức tranh trang trí trên tường trong những Hang Toại đạo Thánh Sebastian của Roma. Có một vài liên hệ đến vùng Santa Maria Maggiore, tại đây một căn nhà lưu giữ thánh tích có giữ miếng gỗ được xem là từ máng cỏ của Đức Ki-tô.
Nhưng chính Thánh Phanxico Assisi là người bắt đầu truyền thống trưng bày hang đá Giáng sinh như hiện nay và đưa truyền thống đó sang vùng Greccio, Ý.
Hang đá Giáng sinh
Tu sĩ Thomas thành Celano, quen biết Thánh Phanxico và đã viết tiểu sử đầu tiên của vị Thánh người Ý, kể rằng năm 1223, thánh nhân tạo ra máng cỏ đầu tiên cho Giáng sinh. Ngài cho gọi một người tín nhiệm tên Gio-an và hướng dẫn ông, “Nếu anh quyết chí là chúng ta sẽ mừng Lễ của Chúa tại Greccio, hãy gấp rút lên đường và sốt sắng chuẩn bị những gì tôi đã nói với anh. Vì tôi muốn tạo ra một cảnh kỷ niệm Hài nhi đã sinh ra ở Bê-lem, và bằng một cách nào đó phải cho thấy bằng mắt thật cảnh khổ cực tuổi thơ của Người; Người nằm trong máng cỏ như thế nào trên cỏ khô, với bò và lừa đứng chung quanh.”
Khi đêm Giáng sinh cực thánh đến, những người đàn ông và phụ nữ từ thị trấn đến tham dự với các tu sĩ. Tất cả đều mang theo nến và đuốc để soi sáng đêm đó “cùng với Ngôi sao rực sáng đã soi sáng mọi ngày và mọi năm,” tu huynh Thomas viết. “Cuối cùng, Thánh nhân đến và thấy mọi việc đã được chuẩn bị, trông thấy tất cả và rất vui mừng. Máng cỏ đã sẵn sàng … Tại đó sự Đơn sơ đã được tôn vinh, sự Nghèo hèn được tán tụng, sự Khiêm nhường được tán dương; và Greccio đã được trang trí tạo dựng như một Bê-lem mới.” Tu sĩ viết tiếp: “Thánh nhân đứng trước máng cỏ, đầy tràn sự cảm thương, đầy xúc động và sững sờ mừng vui. Những Thánh Lễ trọng thể được dâng bên máng cỏ, và linh mục cảm nhận một niềm an ủi mới.”
Thánh Phanxico hát Tin mừng và sau đó giảng về sự ra đời của vị Vua nghèo khó và thành Bê-lem nhỏ bé. Khi đêm canh thức kết thúc, “bằng cách đó Chúa đã cất những gánh nặng khỏi con người và những loài thú vật khác, khi Người tỏ lòng thương xót bao la của Người,” đám cỏ khô trong máng cỏ trong hang đá cho thấy có phép lạ. Thomas khẳng định rằng “nhiều thú vật trong vùng quanh đó bị nhiều chứng bệnh đã được khỏi hẳn khi chúng ăn cỏ khô đó. Thêm nữa, những phụ nữ phải lao động quá lâu và nặng nhọc đã được trợ giúp bằng cách đặt một vài cọng cỏ khô trên mình, và một nhóm đông người cả nam cả nữ bị nhiều chứng bệnh khác nhau đã lấy lại được sức khỏe mong ước lâu ngày cũng tại nơi đó. Cuối cùng vị trí máng cỏ đó được tôn kính như một đền thờ Thiên Chúa, trong sự tôn vinh Cha Thánh Phanxico, phía trên máng cỏ một bàn thờ được xây dựng và một nhà thờ được cung hiến, trải dài đến chỗ trước đây các loài bò ngựa ăn cỏ khô, từ đó về sau người ta tìm được sự chữa lành về linh hồn cũng như thể xác qua việc rước thân thể tinh tuyền không vết nhơ của Con Chiên vào lòng, là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng với lòng thương xót cao cả vô bờ bến đã hiến thân mình cho chúng ta, Đấng hằng hữu và ngự trị trên ngai cai trị thế gian đến muôn đời cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa vinh quang vô cùng tận. Amen, Alleluia.”
Vị thánh của cây Giáng sinh
Chúng ta mang ơn Thánh Phanxico vì cảnh Hang đá Giáng sinh, nhưng Thánh Boniface lại được công nhận là người bắt đầu truyền thống trang trí cây Giáng sinh của chúng ta. Vào đầu thế kỷ thứ tám, Đức Giáo hoàng gửi Thánh Boniface, lúc đó là giám mục, sang hoán cải người Germanic. Theo lịch sử, sau những thành công ban đầu, lúc trở lại ngài kinh hoảng thấy những người đã được hoán cải quay trở về con đường ngoại giáo và đang chuẩn bị sát tế một đứa trẻ dưới cây mà họ cho là cây sồi thiêng của thần của họ — “Cây Sồi Sấm Sét” dâng cho thần Thor — trong đêm canh thức Giáng sinh. Thế là Thánh Boniface chộp lấy một cái rìu.
Truyền thuyết nói rằng bằng cú vung búa đầu tiên của ngài một trận gió rất mạnh đánh bật gốc cây sồi. Những người ngoại đạo kinh hoàng nhận ra đây là bàn tay của Chúa và cầu xin Thánh Boniface dạy cho họ cách mừng Giáng sinh. Theo tường thuật trong một bài viết trên L’Osservatore Romano kể lại truyền thuyết, ngài “chỉ vào một cây linh sam nhỏ vẫn đứng thẳng một cách kỳ lạ không hề hấn gì bên cạnh đống thân và cành cây sồi gãy ngổn ngang”.
Theo Catholic.com, Thánh Boniface nhìn thấy cây linh sam nhỏ và nói với người dân, “Cây linh sam nhỏ bé này là một đứa trẻ thơ của khu rừng, sẽ trở thành cây thánh của mọi người trong đêm nay. Nó là cây hòa bình … là biểu tượng của sự sống vô tận, vì lá của nó mang màu xanh mãi mãi. Hãy nhìn cách nó vươn hướng thẳng lên trời. Hãy gọi cây này là cây của Hài nhi Ki-tô; hãy tụ tập quanh nó, không phải ở trong rừng hoang này, nhưng ở trong nhà của mình; ở đó nó sẽ che chở thoát khỏi những hành động ác độc, nhưng đầy những món quà yêu thương và những cử chỉ tốt lành.”
Theo Cha Weiser thuật  lại, những gì Thánh Boniface bắt đầu có thể là nguồn gốc của sự phát triển lịch sử và truyền thống của cây Giáng sinh. Từ đó, truyền thống lan rộng. Cha Weiser, một người có uy tín về truyền thống phụng vụ và là tác giả của hơn 20 quyển sách, trong đó có quyển The Christmas Book (Sổ tay Giáng sinh) và The Easter Book (Sổ tay Phục sinh), giải thích rằng cây Giáng sinh “hoàn toàn có nguồn gốc của Ki-tô giáo.” Ở thế kỷ 15, người ta đem cây thông vào nhà ngày 24 tháng Mười Hai và trang trí chúng bằng những quả táo đỏ tượng trưng cho tội, và bánh xốp trắng tượng trưng cho Thánh Thể nguồn của sự sống. Cuối cùng, ngoài bánh xốp, những bánh nướng và kẹo “tượng trưng cho hoa trái ngọt ngào của ơn cứu độ của Đức Ki-tô” trở thành những đồ trang trí.
Cũng trong đêm canh thức Giáng sinh, Ki-tô hữu Tây phương theo truyền thống thắp những cây nến lớn biểu tượng Đức Ki-tô. Vào thế kỷ 16, người ở tây Đức kết hợp hai truyền thống lại và chuyển hang đá đặt phía dưới cây Giáng sinh. Cha Weiser giải thích, “Thế là cây Giáng sinh hiện đại của chúng ta bây giờ ra đời”. Đầu thế kỷ 19, truyền thống này lan ra các quốc gia phía đông và các quốc gia Slavic. “Xét về yếu tố lịch sử, ý nghĩa và thông điệp của cây Giáng sinh hoàn toàn mang ý nghĩa tôn giáo rất sâu đậm. Cây Giáng isnh đặt trong nhà suốt mùa Giáng sinh như là biểu tượng và sự nhắc nhở rằng Đức Ki-tô là ‘Cây Sự Sống’ và là ‘Ánh sáng của Trần gian’.”
Cha Weiser khuyên, “Những bóng đèn trang trí nhỏ có thể được giải thích cho trẻ em như là biểu tượng của nhân tính và thiên tính và các nhân đức của Người. Những vật trang trí lấp lánh thể hiện vinh quang cao trọng của Ngài.” Màu xanh mãi mãi là “một biểu tượng cổ xưa của sự bất diệt.” Cha nói thêm, “Trong vẻ đẹp rực rỡ và sự thanh bình thinh không nó công bố trong gia đình Ki-tô hữu thông điệp của phụng vụ thánh dẫn đưa về cội nguồn: Lumen Christi — Ánh sáng của Đức Ki-tô.”
12 ngày Giáng sinh và hoa
Còn về Mười hai Ngày Giáng sinh? Năm 567, Công đồng Tours lần thứ Hai (can. xi, xvii) công bố 12 ngày từ Giáng sinh đến Lễ Hiển linh là ngày thánh. Một ngàn năm sau, bài hát The Twelve Days of Christmas (Mười hai ngày Giáng sinh) ra đời như là một bài giáo lý ngụ ý cho người Công giáo ở nước Anh để học và giữ đức tin sống động. Từ năm 1558 đến 1829, luật của Quốc hội ra lệnh việc thực hành đức tin Công giáo có thể bị phạt bỏ tù hoặc xử tử. “Tình yêu thật sự” của bài hát chính là Thiên Chúa, và mỗi món quà ẩn chứa một ý nghĩa của đức tin.
Và trong khi cây holly và cây evergreens mang tính biểu tượng Công giáo rất lớn, cây trạng nguyên lại có một truyền thuyết vô cùng xúc động liên quan đến ngày Giáng sinh và nguồn gốc từ Mexico, ở đây loại cây này trổ hoa vào ngày Giáng sinh và được gọi là “Hoa của Đêm Thánh.”
Trong quyển True Christmas Spirit (Tinh thần Giáng sinh), Cha Edward Sutfin kể câu chuyện bắt đầu và một đêm Canh thức Giáng sinh cách đây rất lâu. Một cậu bé nghèo (một số người kể lại đó là một cô bé) đến nhà thờ “và vô cùng buồn bã vì không có món quà nào mang đến cho Hài nhi Thánh.” Cậu bé không dám vào nhà thờ, và chỉ quỳ ở bên ngoài cầu nguyện rất sốt sắng, rơi lệ khi tâm sự với Chúa rằng cậu rất muốn tặng cho Chúa một món quà dễ thương. Cậu rất ngại đi vào nhà thờ mà không có gì để tặng Ngài.
Cha Sutfin kể, “Nhưng khi đứng dậy, cậu bé nhìn thấy chồi lên từ chỗ đôi bàn chân của cậu là một cây xanh với bông màu đỏ sặc sỡ. Lời khẩn nguyện của cậu đã được nhận lời; cậu bẻ một vài cành tuyệt đẹp trên cây và hân hoan bước vào nhà thờ đặt món quà của cậu tại chân của Hài nhi Ki-tô. Từ đó, cây này lan rộng khắp đất nước; hàng năm nó trổ hoa vào dịp Giáng sinh với màu sắc vô cùng dễ thương làm cho mọi người cảm nhận tinh thần lễ nghỉ thật sự khi nhìn thấy hoa của mùa Giáng sinh, biểu tượng của sự chào đời của Đấng Cứu Thế.”
Thật tuyệt vời và cảm xúc “rạo rực” biết bao với Giáng sinh của chúng ta khi chúng ta nhớ về những nguồn gốc của những việc trang trí của chúng ta và phản ánh ý nghĩa của chúng trong việc mừng sinh nhật của Chúa Giê-su.
Joseph Pronechen là một cây viết của Register.
[Nguồn: ncregister]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/12/2017]