Chúa Nhật V Mùa Chay năm C
(Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11)
Thiên Chúa là Đấng sáng tạo. Ngài không chấp nhận sự già nua cũ kỹ và ù lì chết chóc. Ngài là Đấng luôn luôn mới, Ngài không đóng khung trong quá khứ, nhưng luôn hướng tới việc sáng tạo những cái mới mẻ tươi đẹp và tốt lành hơn cho con người. Thiên Chúa cũng muốn chúng ta đi vào cái nhìn tích cực và sáng tạo ấy: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước. Này Ta sắp làm một việc mới” (Bài đọc I).  
Quả thực, nếu con người gắn chặt cái nhìn vào quá khứ, thì hoặc người ta sẽ tự ti mặc cảm về dĩ vãng tội lỗi của mình và mắc kẹt trong đó, hoặc người ta sẽ tự mãn cao ngạo về quá khứ oanh liệt của mình mà “ngủ quên trong chiến thắng”. Điều này cũng đúng trong cách nhìn về tha nhân. Cái nhìn của các kinh sư và biệt phái là cái nhìn bị gắn chặt và đóng khung vào quá khứ, nên họ không có cái nhìn cho hiện tại và tương lai. Một người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình thì đương nhiên sẽ bị ném đá theo luật Môsê (x. Đnl 22,22-24; Lv 20,10). Đó là cái nhìn cố định, khép kín và tuyệt vọng, chết chóc. Gắn chặt vào quá khứ sẽ biến con người trở thành khắc nghiệt và hẹp hòi, bóp nghẹt hy vọng và sáng tạo, đóng đinh hiện tại và bịt lối tương lai.
Cách nhìn của Chúa Giêsu rất khác. Mặc dù rất tôn trọng Lề Luật, đến mức một chấm một phết cũng không được bỏ qua, nhưng Ngài nhìn vấn đề theo một lối nhìn rất mới. Ngài nhìn vào hiện tại đáng thương và cảm thương người nữ khốn khổ này. Thánh Augustino gọi đó là ánh nhìn của lòng thương xót (misericordia) dành cho một kẻ đang trong cảnh cùng quẫn thảm thương (miseria)! Ngài nhìn vào tương lai để thứ tha và mở ra hy vọng. Ngài biết là thánh nhân nào cũng có một quá khứ (“Ai sạch tội ném đá trước đi!”) và tội nhân nào cũng có một tương lai (“Tôi không kết án chị đâu, hãy về và đừng phạm tội nữa!”). Lời của Ngài không chỉ mang lại sự tha thứ nhưng còn là Lời sáng tạo, mở ra khung trời mới của hy vọng và tự do. Đó là sự sáng tạo của tình yêu thương xót cứu độ.
Thánh Phaolô đã cảm nhận được ánh nhìn thương xót đó một cách sâu đậm, nên khẳng khái tuyên bố rằng: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác rưởi, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Bài đọc II). Ai đã gặp được ánh nhìn thương xót của Chúa Cứu Thế và ở lại trong tình yêu của Ngài, thì những thú vui khác đều trở nên tầm thường bé nhỏ.
Là những môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi cảm nhận ánh nhìn xót thương rộng lượng của Chúa, nhất là qua bí tích Giải tội và Thánh Thể.  Đồng thời, việc chiêm ngưỡng tấm lòng nhân hậu của Chúa và sống thân mật với Ngài cũng khích lệ chúng ta thay đổi cái nhìn cũ kỹ, hẹp hòi, thường hay kết án và loại trừ của mình, để mặc lấy ánh nhìn bao dung, hy vọng, tích cực, tươi mới về tha nhân, nhất là với những người đang bị gạt ra bên lề cuộc sống. Mùa Chay như thế có ý nghĩa sâu xa và rộng lớn hơn nhiều, khi giúp chúng ta thấu nhập tinh thần của Chúa vào trong tư tưởng, sự ước ao, lời nói và việc làm của chúng ta... để trở thành “ánh nhìn thương xót” của Cha trên trời dành cho mọi người. Đây cũng chính là ước mong của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Sứ điệp Mùa Chay 2019:
Chay tịnh nghĩa là học cách thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác và với mọi thụ tạo: từ cơn cám dỗ muốn “ngấu nghiến” mọi thứ để thỏa mãn lòng tham đến chỗ sẵn sàng hy sinh vì tình yêu, vốn có thể lấp đầy con tim trống rỗng của chúng ta. Cầu nguyện dạy chúng ta từ bỏ tôn thờ ngẫu tượng và thói tự mãn, đồng thời nhìn nhận rằng chúng ta cần đến Chúa và lòng thương xót của Ngài. Làm việc bác ái giúp chúng ta thoát khỏi sự điên rồ của việc tích trữ mọi thứ cho bản thân mình (…) để tái khám phá niềm vui của kế hoạch Thiên Chúa đã dành cho thụ tạo và cho mỗi người chúng ta (…) Chúng ta đừng để cho mùa ân sủng này qua đi cách vô ích! Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta cất bước trên con đường hoán cải thực sự. Chúng ta hãy từ bỏ thói ích kỷ và chỉ biết đến mình, để hướng về sự Phục sinh của Chúa Giêsu”.
Tác giả bài viết: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng