CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM C
HÃY HOÁN CẢI
HÃY HOÁN CẢI
LỜI CHÚA: Lc 13, 1-9
Chúng ta có thể nói tương quan của Thiên Chúa và con người là lịch sử của hai sự ngoan cố trái ngược nhau. Sự bướng bỉnh của con người là không muốn và không thể ra khỏi tình trạng tội lỗi của mình. Và sự kiên trì của Thiên Chúa là không mệt mỏi tìm và chờ đợi con người. Niềm hy vọng nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã chiến thắng nếu con người chấp nhận hoán cải. Lịch sử Thánh cho chúng ta biết Thiên Chúa đã nhận chìm tội lỗi nhân loại trong lòng thương xót của Ngài. Ngày nay trong Bí tích Hòa giải, lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa luôn tìm cách chiến thắng sự chai lì của chúng ta miễn chúng ta chấp nhận đến kín múc ở nguồn suối này sự tha thứ.
Trong tuần thường huấn của Hội Dòng, tôi rất tâm đắc với bài chia sẻ của một cha giáo về chương 15 của Thánh Luca. Ngài nói lý do Ngài chọn chương này vì nó là quả tim của Tin Mừng Luca. Và quả tim của quả tim là lòng thương xót. Chương này chúng tôi đã quá quen nhưng hôm nay Ngài đi vào chi tiết cách rất hiện sinh làm chúng tôi rất ấn tượng. Ngài dừng lại ở dụ ngôn người cha nhân hậu. Cái chi tiết mà tôi thích thú đó là Thiên Chúa yêu chúng ta và Ngài thể hiện tình yêu theo cách của Ngài. Cách này có thể làm chúng ta ngột ngạt nhưng Ngài vẫn không thay đổi vì đó là con đường tốt nhất cho chúng ta Người con xin chia gia tài vì nó không cần sự hiện diện của bố nó. Nó muốn là cha của chính nó, lấy mình làm chuẩn. Nó muốn chia gia tài là cắt đứt tương quan với cha. Nó thu gom tất cả những của cải của nó có nghĩa là nó không muốn một dấu vết gì của nó còn lại trong nhà này, nó muốn nói: đoạn tuyệt tương quan với cha và không bao giờ trở lại nhà này nữa. Nó tìm cách đi thật xa, chạy ra ngoài tầm kiểm soát của cha. Nó sống tự do phóng đãng cốt để xóa tư cách làm con.
Tội nó lớn thế nhưng khi nó trở về cha nó chạnh lòng thương xót và thể hiện tình thương yêu của một người cha đối với người con tệ bạc tội lỗi. Ông đã quên đi tư cách là cha của mình, quên hình ảnh mình và quên tội nó. Ông ôm chầm nó hôn thắm thiết. Ông ra lệnh cho đầy tớ mang áo, giầy, nhẫn để trả lại tư cách là con mà nó đã đánh mất.
Qua dụ ngôn này, chúng ta hiểu lòng thương xót của Chúa là vô cùng, không bao giờ Ngài ngưng thương xót. Khi ta sám hối ta sẽ được hưởng lòng thương xót. Nết ta không sám hối Chúa vẫn chờ đợi ta. Khi Chúa đang đợi ta thì Ngài tiếp tục thương xót.
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa cũng nói đến lòng thương xót chờ đợi của Chúa qua dụ ngôn cây vả. Đối với người Do Thái, Vườn nho là một chỗ đặc biệt, thông thường chỉ ưu tiên cho cây nho mà thôi. Ở đây cây vả lại được trồng trong vườn là không bình thường. Đất ở Palestin rất khan hiếm nên cây được trồng ở bất cứ nơi nào có đất. Cây vả này đã được trồng đến năm thứ ba để sinh hoa quả nhưng khi chủ đến thấy nó trơ trịu, ông kết luận: cây này ăn hại đất, chiếm không gian vô ích và ông ra lệnh chặt phăng nó đi.
Nghe thế, người làm vườn năn nỉ để lại một năm nữa vì ông biết cây vả này: “Thưa ông, xin ông cho nó một năm nữa. Tôi sẽ đào đất chung quanh, bón phân. Nếu nó không có quả, tôi sẽ đốn.” Ông chủ đồng ý.
Chủ vườn nho kiên nhẫn với cây vả như thế nào thì Thiên Chúa cũng kiên nhẫn đối với tội lỗi chúng ta cũng như vậy. Lịch sử Giáo hội có nhiều cây vả trơ trụi nhưng đã trở nên sai trái. Hạnh các thánh đã cho chúng ta thấy điều này: nhiều người tội lỗi sau đã trở thành những đại thánh. Thường chúng ta không có những giây phút lớn để hoán cải như thánh Augustino nhưng chúng ta luôn phải sám hối từng ngày. Nó là một lời mời gọi ra khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi để tiến đến đời sống tự do của ơn thánh Chúa. Nó là một lời mời gọi ra khỏi tình trạng trơ trụi đến đời sống sinh hoa trái. Nó là lời mời gọi đến niềm vui Nước trời. Nhưng nó không hoàn tất một lần thay cho tất cả, nhưng phải phát triển và tăng trưởng không ngừng. Đời sống Ki-Tô hữu là một cuộc sám hối không ngừng vì không ai có thể nói mình không ngã.
Đây là một lời kêu gọi sám hối. Mùa chay thánh là mùa mời gọi chúng ta trở về với Chúa. Tự sức chúng ta không thể làm một bước chuyển đổi được, chúng ta phải cậy vào quyền năng và lòng từ bi thương xót của Chúa. Thiên Chúa có thể làm cho cây vả khô cằn sinh hoa trái. Dụ ngôn nói quyết định của chủ vườn nho là chặt đi cho khỏi phí đất nhưng người chăm bón đã xin trì hoãn để cho nó cơ hội đổi đời.
Nếu chúng ta sám hối, chúng ta sẽ sinh hoa trái. Hoa trái phát sinh do sự hiện diện của Chúa trong chúng ta. Chính Ngài mang chúng ta trên tay và làm cho chúng ta sinh nhiều hoa trái. Ngài là gốc và chúng ta là cành, cành được tháp vào gốc và nhựa châu lưu từ gốc đến ngọn. Hoa quả phát sinh từ ơn thánh của Thiên Chúa. Hoa quả là tất cả ân huệ, tình yêu, lòng thương xót. Chúng ta đừng để cho tội lỗi vùi dập, đừng thất vọng. Thiên Chúa tốt lành hơn chúng ta nghĩ và Ngài sẽ đảo lộn chúng ta như đã làm như thế nơi các thánh. Các Ngài tin vào tình yêu Chúa luôn bao bọc các Ngài và ngoan ngoãn để Chúa hành động nơi mình.
Rất có thể tôi chưa nhận ra tình trạng tội lỗi của mình nên ngoan cố sống trong sự mù tối và như thế tôi không được hưởng sự chăm sóc của người làm vườn. Tệ hơn nữa là tôi kết án anh em nên tại họa xẩy đến cho người làm cho tôi khinh chê người, đề cao tôi như những người Do thái hôm nay. Nhưng nếu tôi khiêm nhường, yêu thương người thì khi thấy người bị phạt tôi thấy mình còn đáng phạt hơn. Lúc ấy tai họa xẩy ra cho người sẽ là lời cảnh cáo sống động, cụ thể, mạnh mẽ đối với bản thân và buộc tôi phải thay đổi cuộc sống tức khắc và tận căn.
Khi yêu người, thì tại họa xẩy ra cho người sẽ trở thành lời kêu cứu làm cho ta phải ra tay cứu người với hết sức lực ta, thay vì đứng khoanh tay lên án người; ta sẽ xin Đấng quyền năng cứu người, ta sẽ than khóc cái khổ đau của người khi mình bất lực. Như thế thì tai họa xẩy ra cho người lại phát động lòng yêu thương nơi ta.
Như thế thì lời cảnh báo của Chúa hôm nay đối với mỗi người chúng ta là hãy kíp sám hối trở về với Chúa và khiêm tốn nhận ra tình trạng yếu hèn của mình để không nên án anh em. Những đau khổ của anh em là lời mời gọi tinh thần liên đới, đồng trách nhiệm để sống yêu thương hơn.
Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta sám hối nhờ lời của Ngài. Chúng ta đang tiến dần đến lễ phục sinh, đó là đích điểm của hoán cải; lòng chúng ta phải quay về, quay về ở chiều sâu của lòng mình nhờ tình yêu Thiên Chúa.
Trong mùa chay thánh này chúng ta hãy cầu nguyện và không ngừng sám hối vì thời gian đã đến gần như lời Thánh Phaolo báo trước. Hãy xin Chúa giúp chúng ta luôn nhìn lại mình và xin Ngài dẫn chúng ta đến nơi Ngài muốn và như Ngài muốn bằng con đường Ngài muốn, theo cách của Ngài chứ không phải theo cách của chúng ta. Hãy chấp nhận cách thể hiện tình yêu của Ngài dẫu nó làm cho chúng ta bực bội khó chịu. Đó là cách sám hối ý nghĩa nhất.
Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu